Sử dụng nguồn điện và cách chọn dây dẫn cho bếp từ
Một trong những sai lầm mà người dùng mắc phải khi sử dụng bếp từ đó là dùng sai nguồn điện và chọn sai dây điện, ổ cắm điện. Điều này làm cho bếp từ không hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc giảm tuổi thọ, thậm chí là hư hỏng.
Nguồn điện và dây dẫn, ổ cắm điện là những thiết bị quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động của bếp. Vì là thiết bị nhà bếp vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người, nên việc chưa hiểu rõ các vấn đề liên quan, đặc biệt là về nguồn điện, dây hay ổ cắm cho bếp từ là điều dễ hiểu. Bằng những kinh nghiệm của người đã sử dụng và có sự tìm hiểu về bếp từ. Trong bài viết này, Hải Âu Group xin chia sẻ với các bạn những vấn đề về nguồn điện, dây dẫn được sử dụng cho loại bếp hiện đại này.
1. Nguồn điện sử dụng cho bếp từ
Hình 1:Bếp từ của Nhật có điện áp 100V cần sử dụng thêm bộ biến áp
Thông thường, ở nước ta, nguồn điện sử dụng cho các gia đình là dòng xoay chiều 3 pha có điện áp là 220V. Một số thương hiệu bếp từ của Châu Âu thường thiết kế bếp để sử dụng được nguồn điện này. Khi đó, gia đình bạn chỉ cần mua bếp về và sử dụng bình thường với điện áp định mức của bếp và nguồn điện của gia đình.
Tuy nhiên, một số nước nước như Mỹ, Canada, Nhật Bản hay Đài Loan thì sẽ có điện áp tiêu chuẩn trong khoảng 100 – 120V. Có thể kể đến một số thương hiệu bếp sử dụng điện áp định mức này như: bếp từ Hitachi, Mitshubishi của Nhật, Kic, Saico của Đài Loan. Trong trường hợp bạn mua bếp từ của các nước này, gia đình bạn cần mua thêm bộ chuyển đổi điện áp để hạ hiệu điện thế từ 220V xuống mức hiệu điện thế của loại bếp từ đó.
Với những khu vực có điện áp yếu hoặc thường xuyên gặp trục trặc về điện, những giờ cao điểm điện áp thường chập chờn thì cần trang bị thêm một ổn áp để đảm bảo nguồn điện liên tục và ổn định. Nếu sử dụng bếp với nguồn điện áp không đủ lớn hoặc không ổn định thì bếp hoạt động không hiệu quả, hiệu suất làm việc không cao, thậm chí là gây hỏng bếp, giảm tuổi thọ của bếp, chập mạch điện…rất nguy hiểm.
Điện áp định mức của bếp được nhà sản xuất ghi rõ trên bao bì, nhãn mác. Vì vậy, khi mua cần lưu ý về điều này để khi sử dụng không dùng sai điện áp cho bếp. Việc sử dụng nguồn điện có hiệu điện thế không phù hợp với bếp từ nhập khẩu có thể làm cho bếp bị hư hỏng, chập cháy, gây nguy hiểm cho người dùng.
2. Chọn dây điện và ổ cắm cho bếp từ như thế nào?
Ngoài việc sử dụng nguồn điện có điện áp phù hợp thì các bạn cũng cần chú ý đến việc sử dụng dây điện và ổ cắm cho bếp từ. Dây điện và ổ cắm điện phải có khả năng chịu tải phù hợp với tải của bếp.
Bếp từ thường có công suất lớn, đặc biệt là những mẫu bếp có nhiều vùng nấu, thường có sông suất từ 1000W đến gần 4000W. Nên nguồn điện sử dụng cho bếp phải có tải đủ lớn thì bếp mới có thể hoạt động được. Theo các chuyên gia về bếp từ thì nên dùng dây dẫn và ổ cắm riêng cho bếp từ để đảm bảo nguồn điện cho loại thiết bị nhà bếp này. Việc dùng chung ổ hay phích cắm, dây dẫn sẽ có thể khiến điện áp không đủ lớn hoặc thường xuyên gặp trục trặc, làm cho bếp ngừng hoạt động.
Khi sử dụng dây và ổ điện cần tính tổng công suất tiêu thụ điện của gia đình, từ đó lựa chọn bộ đếm điện, dây và ổ điện đủ tải so với tổng công suất đó. Với bộ đếm điện và ổ cắm cần phải trên 5A, loại 16A hoặc 32A là tốt nhất.
Dây điện dùng cho bếp từ thường là dây đơn cứng VC hoặc dây CV. Dây VC có ruột dẫn là 1 sợi đồng, bọc cách điện PVC và cấp điện áp của dây là 600V. Dây CV có ruột dẫn gồm 7 (hoặc 19) sợi đồng xoắn đồng tâm, bọc một lớp cách điện PVC. Cấp điện áp của loại dây này là 450/750V.
Hình 2:Cấu tạo cơ bản của dây điện CV
Ngoài chất liệu dây dẫn thì tiết diện dây cũng phải đảm bảo đủ tải. Nếu dây quá nhỏ thì khả năng chịu tải sẽ không cao. Do vậy, tốt nhất là chọn dây dẫn riêng cho bếp từ phải có tiết diện từ 0.75mm2 trở lên. Nếu dây dẫn dùng cho tất cả các thiết bị điện trong gia đình thì phải có tiết diện tối thiểu là 2.3 – 2.5mm2. trên thị trường hiện nay có dây tiết diện là 2.5mm2, phù hợp với gia đình sử dụng điện với tổng công suất từ 3Kw – 4kW. Để dự phòng phát triển phụ tải thì tốt nhất nên dùng dây có tiết diện là 4.0mm2. Dây này đảm bảo khi công suất tiêu thụ của gia đình bạn vượt quá 4kW và nhỏ hơn 6kW. Thông thường, các gia đình dùng nhiều thiết bị điện cũng nằm trong khoảng tiêu thụ trên, nên dùng dây 2.5mm2 hoặc 4.0mm2 là phù hợp nhất.
Để đảm bảo tính an toàn và thẩm mỹ cho căn bếp, hiện nay nhiều gia đình lựa chọn cách đi dây điện âm tường. Dây điện được đặt trong tường hoặc dưới sàn nhà qua một lớp bảo vệ bọc bên ngoài là các ống nhựa. Trong các ống nhựa này có thể đặt nhiều dây điện, nhưng không nên để quá chật. Khi phải sửa chữa thì có thể dễ dàng rút dây, luồn dây.
Hình 3:Đi dây điện âm tường để tạo thẩm mỹ cho căn bếp
3. Các mã lỗi trên bếp từ liên quan đến nguồn điện
Trong quá trình sử dụng bếp từ, đôi khi chúng ta thấy trên màn hình điều khiển của bếp hiển thị một số mã lỗi khiến bếp không thể hoạt động được. Dưới đây là một số lỗi liên quan đến việc sử dụng nguồn điện.
Bếp báo mã lỗi E0. Nguyên nhân là do điện áp vào bếp thấp (dưới 170V) hơn so với điện áp định mức của bếp. Thông thường bếp từ có điện áp định mức là 220 (trừ 1 số loại bếp sản xuất của Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Canada). Do vậy, khi hiệu điện thế vào bếp thấp thì bếp không thể hoạt động. Một lí do khác là do tiết diện dây điện quá nhỏ, không đủ tải.
Hình 4:Bếp từ báo lỗi E0 khi điện áp thấp hơn 170V
Bếp bão lỗi E1, ý nghĩa của mã lỗi này là thông báo cho người dùng biết hiệu điện thế vào bếp quá cao (cao hơn 260V). Việc điện áp quá cao có thể gây nguy hiểm cho người dùng và gây hư hỏng, giảm tuổi thọ bếp.
Xem chi tiết tại: Những mã lỗi thường gặp trên bếp từ và cách xử lí nhanh
Bếp từ là một thiết bị điện hiện đại, giúp người dùng tiết kiệm được chi phí và thời gian nấu nướng vì có khả năng nấu nhanh. Bếp cũng có tuổi thọ cao, từ 10 – 15 năm. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách, nhất là sử dụng nguồn điện, dây dẫn và ổ cắm không phù hợp sẽ khiến bếp từ gặp vấn đề, nhanh hư hỏng hơn. Do vậy, cần chú ý tới vấn đề này hơn nữa. Hải Âu hi vọng, các bạn sẽ sử dụng đúng nguồn điện và lựa chọn được dây điện phù hợp với những gợi ý trên.